Sử dụng công nghệ cao để vận hành vào guồng máy hoạt động, đó là cách mà Uber, Grab đang rất thành công. Vậy các hãng taxi truyền thống của Việt Nam phải đối phó thế nào? Vấn đề này được đặt ra tại Hội thảo “Đấu thầu trực tuyến, giải pháp cho ngành vận tải thời đại công nghệ 4.0” do Hiệp hội Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức sáng 29/11 tại Hà Nội.


Khó cạnh tranh

Tại Hội thảo, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội song cũng đẩy nền kinh tế đối diện với khá nhiều thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải. Điển hình, hai hãng taxi hiện đại Uber và Grab thâm nhập vào Việt Nam chỉ một thời gian ngắn đã khiến cho các doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống điêu đứng, doanh thu giảm, mất khách hàng…

Thừa nhận đây là một thực tế chúng ta phải đối diện và phải thay đổi. TS Trần Đình Thiên – Việt trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong thời đại công nghệ  4.0, người ta chứng kiến sự xuất hiện của loại hình vận tải mới là Grab, Uber và ngay lập tức nó đã làm thay đổi hẳn loại hình vận tải truyền thống. Thời kỳ công nghiệp 4.0 là thời kỳ của  kinh tế chia sẻ, thông qua hệ thống số người ta sẽ biết ở đâu có năng lực gì và huy động năng lực ấy. “Thời đại công nghệ sẽ khiến cho tốc độ phát triển không có giới hạn và điểm dừng, ai nắm bắt được tốc độ và sự kết nối sẽ thành công”, ông Thiên nhấn mạnh.

Cũng khẳng định những điểm mạnh mà các hãng taxi hiện đại đem lại cho xã hội, ông Đặng Quốc Hữu, Công ty Cổ phần Viladata chia sẻ: “Trước đây, tôi đi công tác về tới bến xe Mỹ Đình đã là buổi đêm, để về nhà chỉ còn quãng đường khoảng 3km, gọi taxi họ không nhận chở. Tuy nhiên, khi có sự xuất hiện của Grab, Uber, quãng đường bao xa cũng phục vụ hết. Chính phương thức kinh doanh của hai hãng vận tải này đã tạo ra thế cạnh tranh cho taxi truyền thống”. 

Nói về phương thức  mà các hãng taxi truyền thống đã và đang thực hiện để cạnh tranh lại với hai hãng taxi kia, ông Hữu cho hay, đầu tiên là taxi truyền thống cũng giảm giá cước vận chuyển, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hay có những quảng cáo, khẩu hiệu sử dụng taxi truyền thống để ủng hộ người Việt Nam… Đến nay, thậm chí mỗi DN còn đang xây dựng phầm mềm riêng gần giống với Grab, Uber để kết nối với khách hàng. Một trong những DN taxi đã triển khai phải kể tới Vinasun, Mai Linh…

Việc tự vận động để tồn tại của các hãng taxi truyền thống là dấu hiệu tốt, vì có cạnh tranh mới có sự phát triển, nếu không sẽ bị đào thải khỏi “cuộc chơi”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, không thể bắt khách hàng cài đặt trên điện thoại của họ hàng loạt phần mềm khác nhau chỉ với mục đích là gọi xe taxi. Do đó, cần phải đưa ra một phần mềm mới  được gọi là “đấu thầu” mới kỳ vọng có thể cạnh tranh được với hai ông lớn của thế giới là Grab và Uber.

Cách nào?

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Đỗ Khắc Hà – Giám đốc Công ty Cổ phần Viladata cho biết, hệ thống đấu thầu vận chuyển TransTender là ứng dụng kết nối cung cầu vận chuyển hàng hóa, chở khách, bốc dỡ hàng hóa theo hình thức đấu thầu trực tuyến.

Do đó, phần mềm này cho phép khách hàng dễ dàng tìm được nhà vận chuyển phù hợp và được lựa chọn cước phí rẻ thông qua hình thức đấu thầu, các nhà vận chuyển buộc phải cạnh tranh đưa ra giá, phương tiện và những tiêu chí tối ưu nhất cho gói thầu nếu muốn được lựa chọn.

Mặt khác, TransTender giúp khách hàng có được thông tin đầy đủ về nhà vận chuyển, giúp khách hàng có thể xem các đánh giá, nhận xét của cộng đồng về năng lực, thái độ phục vụ của nhà vận chuyển đó. Còn đối với nhà vận chuyển sẽ dễ dàng tìm kiếm việc làm, chủ động tăng  thu nhập, doanh số khi được khách hàng sử dụng dịch vụ do đơn vị cung cấp. Đồng thời, thông qua TransTender, nhà vận chuyển có được một kênh tiếp thị trên thị trường rộng lớn hơn với nhu cầu đa dạng, sôi động hơn.

Theo TS Phan Thanh Toàn – Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Đại học sự phạm Hà Nội, Uber và Grab ra đời đã làm cho nhiều DN taxi gặp khó khăn. Ở Mỹ cũng có một hệ thống quản lý vận tải để liên kết quản lý khách hàng trên rất nhiều nước trên thế giới. Tham gia vào sàn giao dịch vận tải Transtender, các công ty vận tải hoàn toàn có thể giảm sâu về chi phí quảng cáo, chi phí quản lý… Đó là những yếu tố đang làm giảm sức cạnh tranh của các DN taxi truyền thống hiện nay. 

 “Ở Việt Nam, ngành giao thông vận tải là ngành quan trọng vì hầu như con người ai cũng phải tham gia giao thông, vận chuyển hàng hóa nên doanh thu của ngành này cũng chiếm tỉ lệ lớn trong nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, lĩnh vực này của Việt Nam chi phí rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới chính là do giao thông chủ yếu đường bộ. Cơ sở hạ tầng yếu kém so với các quốc gia trong khu vực”, ông Toàn phân tích.